CUỘC GẶP GỠ GIAO LƯU VỚI ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MALTA - MỘT BƯỚC TIẾN CHO CỘNG ĐỒNG NHẬP CƯ.
Floriana, Malta - Vào chiều thứ Ba, ngày 30 tháng 4, tại Tòa Giám Mục - Archbishop’s Curia ở Floriana, một cuộc gặp quan trọng đã diễn ra giữa Đức Tổng Giám Mục Malta, Charles J Scicluna, và các đại diện cộng đồng nhập cư đến từ Việt Nam, Philippines, Sudan, Ấn Độ và Nigeria. Cuộc gặp này là một phần của nỗ lực liên tục nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc mà cộng đồng nhập cư đang phải đối mặt tại Malta.
1. Diện kiến chung
Tại buổi gặp, người tham gia lần lượt tự giới thiệu về bản thân mình, lý do đến Malta và công việc thường ngày...
2. Thảo Luận Về Thách Thức và Cơ Hội
Trong cuộc gặp, các đại diện đã trình bày về những khó khăn họ gặp phải, bao gồm vấn đề với Identity Malta - cơ quan cấp ID cho người nhập cư, giá nhà cao, thuê nhà, và thủ tục lấy thẻ định cư dài hạn (long term residence). Đặc biệt, họ cũng chia sẻ về những khó khăn trong việc xin giấy phép lao động - work permit, các bất cập xảy ra khi người lao động bị xa thải và khoảng thời gian ngắn ngủi khi đi tìm chủ lao động mới, các rủi ro cho người lao động trở thành vô gia cư, thất nghiệp, bất hợp pháp trong khoảng thời gian đó và tìm kiếm sự trợ giúp từ các tổ chức phi chính phủ...
Bên cạnh đó, các đại diện cũng đã nêu lên những điểm tích cực của Malta, như vẻ đẹp & thời tiết khí hậu ôn hòa của đất nước, sự thân thiện của người dân, cơ hội tìm kiếm việc làm rất nhiều tại Malta, chất lượng giáo dục, chất lượng các cơ sở y tế, sự bảo vệ của chính phủ đối với những người tị nạn thoát khỏi xung đột chiến tranh tại quê nhà....
Khi được hỏi điều gì sẽ làm cho Malta có thể trở nên tốt hơn? Đại diện Việt Nam, bao gồm chị Nhàn Debono, anh Song Nghĩa và cô Kim, đã đề xuất và gợi ý để cải thiện tình hình kinh tế tại Malta bằng việc thiết lập đường bay trực tiếp từ Malta đến một trong các nước châu Á. Điều này sẽ giảm chi phí đi lại cho người nhập cư gốc Châu Á - một trong những lực lượng lao động chiếm đa số tại Malta hiện nay, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ các nguồn cung ứng, tăng trưởng du lịch Malta, nâng cao cơ hội hợp tác phát triển... và từ đó giảm thiểu được chi phí sinh hoạt vốn đang được coi là ngày càng đắt đỏ nơi đây.
Đức Tổng giám mục đánh giá cao đề xuất này và coi đây là một trong những việc thiết yếu mà Malta cần định hướng làm trong tương lai để hoàn thành kết nối với những phần còn lại của thế giới, cải thiện nhu cầu đi lại và mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh.
3. Đức Tổng Giám Mục Lắng Nghe và Hỗ Trợ
Đức Cha Charles J Scicluna đã thể hiện sự thấu hiểu và cam kết sẽ chuyển những thắc mắc, khó khăn và những đề xuất, đóng góp ý kiến của cộng đồng người nhập cư đến những người đang nắm quyền điều hành đất nước trong chính phủ Malta. Ngài cũng đã đề xuất các giải pháp và các mối liên hệ để giúp mọi người giải quyết vấn đề của họ.
4. Vấn Đề Nhập Cư và Lao Động
Cuộc gặp cũng đã đề cập đến cuộc sống không ổn định của những người nhập cư bất hợp pháp và các giải pháp để hỗ trợ một số người Philippines tránh bị trục xuất. Ngoài ra, vấn đề sa thải lao động trước khi hợp đồng kết thúc, các quyền lợi của họ đáng được hưởng cũng được bàn luận.
Một phương án khác được thảo luận là việc thuê mướn lao động trực tiếp tại Malta mà không thông qua môi giới, điều mà cộng đồng Philippines đã và đang hướng tới thỏa thuận với chính phủ Malta.
5. Tương Lai Của Cộng Đồng Nhập Cư
Cuộc gặp đã kết thúc với hy vọng rằng những thảo luận này sẽ mở ra những cơ hội mới và giải pháp cho những thách thức mà cộng đồng nhập cư đang phải đối mặt tại Malta. Đức Tổng Giám Mục Malta đã khẳng định vai trò của mình, tuy ông không phải là Tổng thống hay Thủ tướng Malta nhưng ông sẽ cố gắng sử dụng tối đa tầm ảnh hưởng và sức mạnh mềm mỏng của mình (soft power) trong các cuộc đàm thoại tới đây với chính phủ Malta trước cuộc bầu cử 08/06/2024 và hi vọng tình hình sẽ được cải thiện không chỉ trong cộng đồng Công giáo Malta mà còn trong toàn xã hội Malta.
Đại diện cộng đồng người Việt.
Nhàn Debono - Cô Kim - Song Nghĩa